Ngày xuất bản: 2025-05-09

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên ngân hàng Agribank chi nhánh thành phố Cần Thơ

Trung Hiếu Nguyễn; Minh Tâm Lê, Tiến Thuận Lưu
Tóm tắt | PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên với ngân hàng Agribank chi nhánh thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu định tính được sử dụng để đề xuất mô hình nghiên cứu và hiệu chỉnh thang đo; phương pháp nghiên cứu định lượng: đối tượng khảo sát là nhân viên ngân hàng Agribank chi nhánh thành phố Cần Thơ gồm 116 người. Thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp bằng bảng câu hỏi khảo sát được sử dụng để đánh giá độ tin cậy của thang đo (phân tích hệ số Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích tương quan Pearson, phân tích hồi quy, kiểm định sự khác biệt bằng T-Test và ANOVA. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sáu yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn kết với tổ chức của nhân viên tại ngân hàng theo thứ tự tác động giảm dần gồm: (1) Môi trường làm việc; (2) Cơ hội thăng tiến; (3) Phúc lợi; (4) Lãnh đạo trực tiếp; (5) Bản chất công việc và (6) Thu nhập. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các hàm ý quản trị để giúp Ban lãnh đạo có chiến lược, định hướng, chính sách phù hợp trong việc sử dụng lao động, giữ chân người tài giỏi, mong muốn họ gắn kết lâu dài với đơn vị, đáp ứng hiệu quả trong công việc, mang đến lợi nhuận cho đơn vị và giữ vững thương hiệu của Agribank trên thị trường.

Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Vũ Long Đinh; Minh Tân Nguyễn
Tóm tắt | PDF

Các tổ chức tín dụng cần xây dựng một chính sách quản lý rủi ro về vay tiêu dùng hiệu quả, nhằm đảm bảo an toàn cho cả khách hàng và ngân hàng. Để thực hiện được điều đó, lãnh đạo các ngân hàng cần nắm rõ hành vi tiêu dùng của người dân địa phương. Việc hiểu rõ các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay tiêu dùng cũng giúp cho các ngân hàng tăng cường sự cạnh tranh và phát triển thị trường tài chính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Phương pháp khảo sát thuận tiện được sử dụng để phỏng vấn khách hàng cá nhân. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 250 khách hàng cá nhân đang giao dịch tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Phương pháp kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá nhằm tìm ra nhóm nhân tố mới và hồi quy đa biến được sử dụng để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Kết quả ước lượng mô hình cho thấy, các nhân tố như: Thương hiệu ngân hàng; Nhân viên ngân hàng; Chất lượng dịch vụ và Lãi suất vay có mối tương quan thuận chiều đến quyết định vay tiêu dùng của khách hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tất cả các nhân tố trên đều tác động tích cực đến quyết định vay của khách hàng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, thương hiệu ngân hàng là nhân tố tác động mạnh nhất đến quyết định vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu bốn nhóm hàm ý quản trị được đề xuất nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân tại Bạc Liêu.

Các nhân tố ảnh hưởng sự hài lòng của học viên đối với dịch vụ đào tạo lái xe ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang

Văn Nhịp Ngô; Thanh Liêm Nhan, Khánh Du Nguyễn, Công Dũng Nguyễn
Tóm tắt | PDF

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của học viên và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của học viên về chất lượng dịch vụ đào tạo lái xe ô tô của Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang. Nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát trực tiếp bằng bảng câu hỏi đối với 180 học viên lái xe thuộc khóa đào tạo năm 2022. Mô hình nghiên cứu đề xuất dựa trên mô hình SERVPERF gồm sáu nhân tố với 28 biến quan sát. Phương pháp thống kê mô tả, kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính được sử dụng. Qua phân tích cho thấy mô hình nghiên cứu lý thuyết phù hợp, kết quả phân tích hồi quy với bốn nhân tố có tác động đến sự hài lòng của học viên học lái xe tại Trường. Thứ tự vai trò tác động của từng nhân tố thể hiện trong phương trình hồi quy cho thấy nhân tố Quản lý và phục vụ đào tạo có ảnh hưởng lớn nhất; kế đến là nhân tố Cơ sở vật chất, trang thiết bị; nhân tố Năng lực và thái độ giáo viên và cuối cùng là nhân tố Học phí lệ phí. Bốn nhóm hàm ý quản trị được đề xuất giúp nâng cao sự hài lòng của học viên về dịch vụ đào tạo lái xe ôtô tại Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang.

Các nhân tố tác động đến giá trị thương hiệu FPT về lĩnh vực viễn thông tại thành phố Cần Thơ

Bửu Nam Trịnh; Vũ Long Đinh, Bình Nhã Lan Lê
Tóm tắt | PDF

Hiện nay, thị trường viễn thông Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu, để có thể cạnh tranh được với các đối thủ cùng ngành thì việc nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu, giúp nâng cao giá trị thương hiệu FPT về lĩnh vực viễn thông tại TP. Cần Thơ. Với cỡ mẫu quan sát là 208, bằng các phương pháp thống kê tần số, thống kê mô tả trung bình, phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố EFA, phân tích hồi quy đa biến, kiểm định sự khác biệt bằng phân tích ANOVA, kiểm định TTest. Kết quả cho thấy: giá trị thương hiệu được hình thành bởi bốn nhân tố: Nhận biết thương hiệu, Chất lượng cảm nhận, Liên tưởng thương hiệu và Trung thành thương hiệu. Ngoài ra, nhóm có độ tuổi từ 18 đến 22 tuổi có mức độ nhận biết thương hiệu và mức độ cảm nhận giá trị thương hiệu cao hơn nhóm từ 23 đến 30 tuổi. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, một số hàm ý quản trị được đề xuất nhằm góp phần giúp FPT Chi nhánh Cần Thơ nâng cao giá trị thương hiệu qua những chiến lược truyền thông phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Tác dụng dược lý điển hình của Sâm Ngọc linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv)

Minh Khởi Nguyễn; Huyền Trân Trần, Văn Minh Lê, Hải Triều Lý
Tóm tắt | PDF

Sâm Ngọc Linh hay Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha & Grushv.) là loài thực vật đặc hữu ở vùng núi Ngọc Linh, Việt Nam, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý, có vai trò quan trọng trong y học và lịch sử, văn hóa, kinh tế. Sâm Ngọc Linh có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe trong y học cổ truyền. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy Sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng như chống mệt mỏi, bảo vệ thần kinh, chống stress, chống trầm cảm, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, điều hòa hoạt động tim mạch, kháng oxy hóa, kháng ung thư, điều hòa miễn dịch, bảo vệ thận,… Sâm Ngọc Linh có các thành phần hóa học với nhiều tác dụng sinh học tiềm năng, đặc biệt hàm lượng saponin của Sâm Ngọc Linh cao hơn so với một số loài sâm khác. Trong đó, thành phần ginsenosid được xem là thành phần chính đóng góp phần cho tác dụng sinh học của Sâm Ngọc Linh. Bài viết tổng quan nhằm cung cấp thông tin về các kết quả nghiên cứu dược lý đối với một số hướng tác dụng điển hình của Sâm Ngọc Linh, là cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu và phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe trong tương lai.

Thái độ và ý định nhận lương hưu qua tài khoản: Nghiên cứu trường hợp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An

Thanh Phong Trần; Thanh Bình Nguyễn, Thị Mỹ Tiên Trần, Thị Hoài Trinh Nguyễn
Tóm tắt | PDF

Nghiên cứu này nhằm vào việc xác định, đánh giá hành vi dự định sử dụng dịch vụ nhận lương hưu qua tài khoản với đối tượng hưu trí trong tỉnh Long An. Tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu dựa vào mô hình chấp nhận công nghệ - TAM. Trong nghiên cứu tác giả thực hiện nghiên cứu định tính (điều chỉnh thang đo) và định lượng (kiểm định mô hình). Mẫu thuận tiện được thu thập gồm 486 quan sát để kiểm định mô hình lý thuyết. Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khẳng định CFA, phân tích mô hình SEM ở mức tin cậy 95% được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy hành vi dự định sử dụng dịch vụ phụ thuộc vào thái độ của người nghỉ hưu đối với dịch vụ đó. Trong đó thái độ lại phụ thuộc vào (1) Nhận thức về hữu ích và (2) Nhận thức về dễ sử dụng. Cuối cùng, bài nghiên cứu đề xuất những hàm ý về quản trị để thúc đẩy ý định dùng dịch vụ thì cần cải thiện 2 đặc tính của dịch vụ, đó là hữu ích và dễ sử dụng, trong đó đặc tính dễ sử dụng đặc biệt quan trọng.

Đặc điểm vi phẫu, hoạt tính chống oxy hóa và ức chế enzym α-Glucosidase của các cao chiết cây muống biển (Ipomoea pes - caprae)

Kim Ngọc Trì; Thị Lệ Lý, Thị Yến Nhi Nguyễn, Hữu Phúc Nguyễn, Thành Trọng Phạm
Tóm tắt | PDF

Cây Muống biển (Ipomoea pes - caprae) là loài cây hoang dại, mọc nhiều trên bãi biển ở một số nước vùng Đông Nam Á nên nguyên liệu phong phú, dễ tìm. Nghiên cứu về loài Muống biển hiện nay còn hạn chế ở một số bộ phận như hoa, quả, hạt, rễ cho thấy tiềm năng chống oxy hóa tốt. Đề tài được thực hiện nhằm khảo sát đặc điểm vi phẫu, thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học của các loại cao chiết cây Muống biển, cung cấp cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo cho việc sử dụng như một cây dược liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi phẫu lá có biểu bì trên, mô dày, libe, gỗ và biểu bì dưới. Vi phẫu thân có biểu bì, mô dày phiến, mô mềm, mô cứng, libe, gỗ và mô mềm đạo. Thành phần hóa học chính của cây là polyphenol, carotenoid, anthraquinon, saponin, tanin, hợp chất polyuronic. Thử nghiệm loại gốc tự do DPPH cho thấy hoạt tính chống oxy hóa của cao ethanol 50% là cao nhất với IC50 = 7,95 ± 0,35 µg/mL. Các cao chiết cũng thể hiện hoạt tính ức chế α-glucosidase khá mạnh trong đó cao nước là mạnh nhất với IC50 =7,92 ± 0,05 µg/mL. Riêng cao chiết ethanol 96% có hoạt tính ức chế α-glucosidase không đáng kể.

Xây dựng công thức bào chế xà phòng sát khuẩn từ lá Tía tô (Perilla frutescens (L.) Britt)

Thị Bích Dương; Bảo Như Trần, Hoàng Khang Phạm, Hiếu Nghĩa Đỗ, Chí Toàn Nguyễn, Ngọc Thủy Phan
Tóm tắt | PDF

Tía tô là một loại rau ăn lá có chứa nhiều hoạt chất tác dụng sinh học tốt như kháng tế bào ung thư, chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn phổ rộng nên cũng được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, những ứng dụng của Tía tô trong các sản phẩm chăm sóc da còn hạn chế, chỉ vài nghiên cứu chứng minh khả năng giữ ẩm và tăng độ đàn hồi cho da. Vì thế, việc nghiên cứu ứng dụng khả năng ức chế vi khuẩn của lá Tía tô trong xà phòng sát khuẩn bảo vệ da được thực hiện. Bằng phương pháp thực nghiệm, xác định được công thức sản xuất xà phòng sát khuẩn tự nhiên lá Tía tô với các thành phần gồm: NaOH và dầu dừa có bổ sung 0,5% dịch chiết lá Tía tô và 10% glycerol. Kết quả khảo sát ức chế vi khuẩn cho thấy, xà phòng có khả năng ức chế 97% vi khuẩn S. aureus và E. coli ở nồng 500 µg/mL sau thời gian tiếp xúc 60 giây. Đặc tính xà phòng có pH 6.2; độ tạo bọt 75% sau 15 phút; tổng lượng acid béo là 65,16%; acid béo không và chưa bị xà phòng hóa là 0,26%; kiềm tự do âm tính. Về cảm quan, xà phòng có màu nâu; mùi cổ điển; kết cấu chắc, mịn, không rạn nứt. Các chỉ tiêu khảo sát đều đạt theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2224:1991 về xà phòng dạng bánh.

Đánh giá tình hình sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy ở bệnh nhi nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh

Công Luận, Trần; Văn Thiện Nguyễn, Thị Quỳnh Hương Nguyễn, Thị Xuân Khanh Nguyễn
Tóm tắt | PDF

Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tình hình sử dụng thuốc trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh năm 2020. Nghiên cứu mô tả, hồi cứu trên 78 hồ sơ bệnh án điều trị tại bệnh viện từ ngày 01/6/2020 đến 01/12/2020. Kết quả ghi nhận tỉ lệ sử dụng kháng sinh trong mẫu nghiên cứu là 37,2%. Chỉ định kháng sinh trong điều trị tiêu chảy có phân lỏng nhầy và phân lỏng nhầy máu là 100%, chỉ định kháng sinh trong điều trị tiêu chảy có phân lỏng nước là 15,5%. Chỉ định kháng sinh ở tiêu chảy cấp phân máu và tiêu chảy kéo dài là 100%, còn ở tiêu chảy cấp là 33,8%. Kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong nghiên cứu là cefixim 34,6%. Trong điều trị tiêu chảy trong mẫu nghiên cứu trung bình là 3,66±1,61 ngày, trung vị là 3 ngày với thời gian điều trị ít nhất là 2 ngày và dài nhất là 8 ngày. Tỷ lệ phác đồ chỉ định kháng sinh với chế độ liều phù hợp khuyến cáo chiếm 35,9%, chế độ liều thấp hơn khuyến cáo là 1,3%. Chỉ định oresol: để điều trị tiêu chảy trong mẫu nghiên cứu là 25,6%. Chỉ định lactat ringer: trong điều trị tiêu chảy không mất nước chiếm 25,4%. Liều dùng oresol: theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế độ phù hợp khuyến cáo trong nghiên cứu là 21,8% và thấp hơn khuyến cáo 3,8% còn lại là không có chỉ định oresol. Tỷ lệ chỉ định bổ sung kẽm trong tiêu chảy chỉ chiếm 9% trong tổng mẫu nghiên cứu, trong đó kẽm được chỉ định với tỷ lệ cao nhất trong tiêu chảy phân lỏng nhầy với 11,8%. Độ phù hợp khuyến cáo liều bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy chiếm tỷ lệ 85,7%. Tỷ lệ có chỉ định probiotic trong tiêu chảy chiếm tỷ lệ 83,3% trong tổng mẫu nghiên cứu, tiêu chảy phân lỏng nhầy máu được chỉ định bổ sung probiotic chiếm tỷ lệ cao nhất 100%.

Khảo sát tình hình sử dụng kháng sinh tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ

Thị Minh Nguyệt Cao; Thị Hồng Nguyên Nguyễn, Ngọc Thủy Phan, Phương Thảo Nguyễn, Thị Ngọc Mai Phạm, Thị Thu Hương Nguyễn
Tóm tắt | PDF

Mục tiêu của đề tài là khảo sát tình hình và đánh giá hiệu quả sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ. Thiết kế nghiên cứu theo phương pháp mô tả cắt ngang, hồi cứu 383 bệnh án tại Khoa ngoại Tổng hợp thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020. Kết quả cho thấy, nhóm kháng sinh được sử dụng rất đa dạng và phù hợp với khuyến cáo trong 3 thời điểm trước, trong và sau phẫu thuật. Kháng sinh được sử dụng chủ yếu là nhóm β-lactam trong đó phân nhóm cephalosporin thế hệ 2 đơn trị liệu chiếm tỷ lệ cao so với các nhóm kháng sinh khác. Đường tiêm tĩnh mạch chiếm tỷ lệ cao so với đường uống và truyền tĩnh mạch. Đa số bệnh nhân có số ngày sử dụng kháng sinh dưới 5 ngày. Số bệnh nhân sau phẫu thuật không sốt chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối với 94%. Tình trạng bệnh nhân khi ra viện có vết mổ khô hoàn toàn đạt 100%. Dựa vào kết quả thu được từ khảo sát, việc sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa tại Khoa ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ phần lớn phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y Tế.

Nghiên cứu xây dựng công thức kem chống nắng tự nhiên với titan dioxid và kẽm oxid

Thị Bích Dương; Thùy Dương Nguyễn, Chí Toàn Nguyễn , Ngoc Trung Dung Huỳnh
Tóm tắt | PDF

Sử dụng kem chống nắng là một trong những biện pháp ngăn chặn tác hại của tia UV đối với da. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kem chống nắng nhưng phần lớn được bào chế với các thành hóa học, sản phẩm từ tự nhiên còn hạn chế. Để góp phần đa dạng sản phẩm kem chống nắng và an toàn cho da, đề tài thực hiện với mục tiêu xây dựng công thức kem chống nắng từ titan dioxid và kẽm oxid kết hợp với các thành phần tự nhiên. Bằng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế công thức bào chế với các thành titan dioxid, kẽm oxid phối hợp bơ hạt mỡ và dầu hạnh nhân cho kết quả sau: Kem chống nắng tự nhiên với công thức gồm: 2% TiO2 và 6% ZnO cùng 20% bơ hạt mỡ, 6% dầu hạnh nhân và 9% sáp ong có chỉ số chống nắng SPF là 50,6. Độ cảm quan: Sản phẩm có màu trắng đục, thể chất mềm, mịn, đặc và đồng đều. Độ pH của kem là 6,08. Sản phẩm không phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, vi nấm Candida albicans, vi sinh vật hiếu khí, các kim loại arsen, chì, thủy ngân, không gây kích ứng da, không ban đỏ và phù nề. Các chỉ tiêu cơ sở của sản phẩm đều đạt theo văn bản hợp chất số 07/VBHNBYT ngày 16/3/2021, Thông tư quy định quản lý mỹ phẩm.

Nghiên cứu bào chế và đánh giá sinh khả dụng của viên nén chứa tiểu phân nano fenofibrat

Ngọc Chiến Nguyễn; Anh Hoàng Đào, Thị Hồng Nhung Doãn, Thị Ánh Nguyễn, Đức Liêm Ngô, Thị Giang Lê, Thiện Giáp Lê
Tóm tắt | PDF

Fenofibrat là thuốc có dạng bào chế công nghệ cao, chứa các tiểu phân nano fenofibrat. Ưu điểm của thuốc là có sinh khả dụng cao và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu bào chế và đánh giá được tiểu phân nano fenofibrat bằng phương pháp nghiền bi, bào chế viên nén và đánh giá sinh khả dụng của viên nén chứa tiểu phân nano fenofibrat. Nghiên cứu đã xây dựng được công thức hỗn dịch nghiền bi bao gồm fenofibrat 1,5 g, HPC 0,05 g, HPMC E6 0,025 g, nước 5 g. Dịch sau nghiền có kích thước <500 nm, tỉ lệ dược chất được nano hóa 70%. Nghiên cứu đã rắn hóa dịch nghiền và xây dựng được công thức viên nén chứa 145 mg fenofibrat, viên nén có độ hòa tan tương đương thuốc gốc. So sánh sinh khả dụng của viên nén nghiên cứu được và thuốc đối chiếu Lipanthyl 145 mg được thực hiện trên chó theo nguyên tắc chéo đôi, 2 liều 2 thuốc 2 giai đoạn 2 trình tự. Kết quả AUClast (µg*h/mL) Cmax (µg/mL), Tmax (h) của thuốc thử và thuốc chứng lần lượt là (45,473; 5,899; 2,625) và (46,019; 5,814; 2,583). Kết quả này cho thấy việc bào chế thuốc fenofibrat dạng nano tương đương với thuốc gốc có tính khả thi.

Khảo sát tình hình sử dụng thuốc của bệnh nhân tăng huyết áp mắc kèm đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh

Công Luận, Trần; Hoàng Phúc Trần, Thuỵ Lữ Tâm Võ, Thế Đồng Phùng
Tóm tắt | PDF

Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích thực trạng sử dụng thuốc của bệnh nhân tăng huyết áp mắc kèm đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh năm 2021. Nghiên cứu mô tả, hồi cứu trên 131 hồ sơ bệnh án điều trị tại bệnh viện từ tháng 01/6/2021 đến 01/12/2021. Kết quả ghi nhận các thuốc điều trị tăng huyết áp gồm có 6 nhóm: nhóm ức chế thụ thể chiếm tỷ lệ rất cao 52,2%, tiếp đến là nhóm chẹn kênh calci 48,1% và chẹn beta giao cảm 45,1% cũng được dùng khá phổ biến; các nhóm lợi tiểu 32,1%, nhóm ức chế men chuyển 22,2%, chẹn giao cảm alpha 0,8%. Tỷ lệ phác đồ đơn trị liệu là 33,7% so với phác đồ đa trị liệu là 2 thuốc là 39%, 3 thuốc là 23,8%, 4 thuốc là 3,1% và 5 thuốc là 0,8%. Tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị tăng huyết áp ghi nhận được trong nghiên cứu: mệt mỏi 16,0%, đau đầu 14,5%, ho khan 9,9%, tiểu nhiều 9,2%, buồn nôn 7,6%, tăng kali trong máu là 6,9%. Có 10 kiểu tương tác thuốc ghi nhận trong 36 trường hợp ở mức thận trọng.

Khảo sát kiến thức và thái độ về dự phòng HIV/AIDS của sinh viên Trường Đại học Tây Đô

Thị Hồng Nguyên Nguyễn; Vân Anh Võ, Thị Mai Duyên Nguyễn, Ngọc Thủy Phan, Thị Minh Nguyệt Cao
Tóm tắt | PDF

Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ sinh viên có kiến thức đúng, thái độ tích cực về phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ về phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS của sinh viên Trường Đại học Tây Đô. Đề tài được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 498 sinh viên năm I của Trường Đại học Tây Đô, từ tháng 02 đến tháng 05 năm 2023. Kết quả cho thấy tỷ lệ sinh viên có kiến thức đúng là 5,2% và tỷ lệ sinh viên có thái độ tích cực là 13,7%. Có mối liên quan giữa kiến thức với nhóm ngành và giới tính của đối tượng nghiên cứu (p<0,05), có mối liên quan giữa thái độ với nhóm ngành của đối tượng nghiên cứu (p<0,05). Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh viên năm I có kiến thức đúng, thái độ tích cực về phòng, chống HIV/AIDS là rất thấp. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ trong nhà trường và cộng đồng như tuyên truyền nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả và các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS để từ đó có nhận thức và thái độ đúng đắn hơn.

Một số vướng mắc về tội xâm phạm chỗ ở của người khác và một số giải pháp hoàn thiện chuyên mục gì

Hồng Lĩnh Võ
Tóm tắt | PDF

Trong thời gian vừa qua, xảy ra nhiều vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác, ngoài nguyên nhân phát sinh tội phạm do các đối tượng cố ý thực hiện hành vi, còn có nguyên nhân khác là do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định cụ thể về tội phạm này tại Điều 158 về hành vi, chế tài nhằm mục đích trừng trị, giáo dục, răn đe các đối tượng. Mặc dù đã có chế tài hình sự nhưng việc áp dụng quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự vẫn còn những vướng mắc như: chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về chỗ ở của người khác là chỗ ở như thế nào, hành vi nào được xem là hành vi xâm phạm chỗ ở để xác định trách nhiệm hình sự, trường hợp nào được xem là mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, vướng mắc khi thu thập chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội… Nghiên cứu dựa trên phương pháp phân tích luật viết, tổng hợp, so sánh. Việc nghiên cứu những khó khăn và vướng mắc góp phần áp dụng thống nhất pháp luật khi xử lý tội phạm xâm phạm chỗ ở người khác và nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tế.